Tình trạng thừa cân béo phì đang gia tăng với tốc độ chóng mặt không chỉ ở các nước phát triển mà cả các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Đây thật sự là một mối nguy hiểm tiềm ẩn bởi những người bị béo phì là đối tượng dễ mắc các bệnh nguy hiểm như đái tháo đường, lipid máu, tăng huyết áp, sỏi thận, ung thư….
Vậy béo phì là gì?
Béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân đến mức ảnh hưởng tới sức khỏe. Béo phì là tình trạng sức khỏe có nguyên nhân dinh dưỡng. Thường thường một người trưởng thành khỏe mạnh, dinh dưỡng hợp lý, cân nặng của họ dao động trong giới hạn nhất định. “Cân nặng nên có” của mỗi người thường ở vào độ tuổi 25-30. Hiện nay, Tổ chức y tế thế giới thường dùng chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index – BMI) để nhận định tình trạng gầy béo.

Một người to khỏe không được xem là béo phì, bởi vì cho dù trọng lượng cơ thể lớn nhưng hoàn toàn cân đối, khỏe mạnh. Trọng lượng trung bình, cũng như hậu quả của việc tăng cân thường khác nhau ở mỗi lứa tuổi.
Trong hầu hết các trường hợp, béo phì thường dễ nhận ra do lớp mỡ thừa của cơ thể.
Người béo phì thực ra không có sức khỏe bằng một người bình thường có trọng lượng cơ thể tương đương. Ngoài ra, béo phì cũng là nguyên nhân khiến cho dễ phát sinh nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Khi cơ thể bạn đột ngột tăng cân nhanh trong một giai đoạn nhất định nào đó, bạn có thể có nguy cơ bị béo phì. Cơ thể bình thường tăng cân khá chậm và đều đặn, do sự tăng đều các yếu tố trong cơ thể. Trong khi đó, tăng cân nhanh đột ngột thường chỉ là sự tích lũy mỡ thừa, xảy ra khi sự vận động của bạn không tiêu thụ hết năng lượng quá nhiều đưa vào cơ thể.
Người béo phì có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường và nhiều bệnh nguy hiểm khác, cao hơn nhiều so với người bình thường. Hơn nữa, trọng lượng cơ thể gia tăng theo cách này thường làm cho bạn yếu đi, thay vì là khỏe mạnh hơn. Điều may mắn là, béo phì hoàn toàn có thể khống chế được bằng vào một số hiểu biết nhất định.
Chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày là những nguyên nhân chính dẫn đến béo phì, đồng thời cũng là những yếu tố quyết định để giúp bạn khôi phục lại tình trạng bình thường của cơ thể.
Nếu bạn nghiện thuốc lá, khi bạn bỏ thuốc có thể sẽ tăng cân nhanh. Trường hợp này chưa hẳn dẫn đến béo phì. Bởi vì kèm theo với tăng cân, thường còn có nhiều biểu hiện tích cực khác của sự hoàn thiện sức khỏe.
Vấn đề được giải thích qua một cuộc nghiên cứu kéo dài 13 năm, với các đối tượng theo dõi rộng rãi bao gồm đàn ông, phụ nữ, da đen, da trắng, người nghiện thuốc, người không hút thuốc và người đã bỏ hút thuốc.
Các nhà nghiên cứu cho biết, trung bình sau khi một người bỏ hút thuốc, có thể tăng cân từ 2 đến 5 kilogam. Tuy nhiên, sau khi tăng cân, trọng lượng cơ thể những người này được so thấy tương đương với nhóm người không hút thuốc lá. Nói cách khác, khi bạn hút thuốc lá, bạn đã bị giảm can, và khi bỏ thuốc lá, thực ra là bạn lấy lại được trọng lượng đã mất mà thôi. Hơn nữa, không có dấu hiệu xấu nào khác kèm theo việc tăng cân.
Có thể bạn sẽ lo lắng khi thấy mình tăng cân nhanh. Tuy nhiên, một cuộc nghiên cứu gần đây đi đến kết luận là sự tăng cân sau độ tuổi 75 không còn là dấu hiệu đáng lo ngại nữa. Cuộc nghiên cứu được thực hiện trên 162 người đàn ông ở độ tuổi từ 75 trở lên, kéo dài hơn hai năm và ghi nhận tình trạng sức khỏe cũng như tỷ lệ tử vong của họ.
Theo kết quả nghiên cứu, sự tăng cân sau tuổi 75 không còn có dấu hiệu ảnh hưởng đến sức khỏe nữa. Ngược lại, tỷ lệ tử vong trong số những người gầy hơn lại cao hơn, độ tuổi trung bình thấp hơn.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, những người gầy hơn do có những chứng bệnh khác từ trước, nguyên nhân khiến cho họ gầy hơn nên sức khỏe không tốt bằng những người tăng cân nhiều.
Tìm hiểu thêm:
Cách tính chỉ số BMI (Body Mass Index)
BMI được tính bằng cách chia cân nặng (kg) cho bình phương chiều cao (mét) theo công thức:

BMI | Phân loại |
---|---|
< 18,5 | dưới chuẩn |
18,5–24,9 | Bình thường |
25,0–29,9 | thừa cân |
30,0–34,9 | béo phì cấp độ I |
35,0–39,9 | béo phì cấp độ II |
≥ 40,0 | béo phì cấp độ III |
Một số lời khuyên để phòng ngừa béo phì:

- Cơ thể cần vận động đầy đủ. Nếu bạn làm những công việc thường ngày ít vận động như công việc bàn giấy chẳng hạn, bạn cần có những chương trình luyện tập, vận động bổ sung trong sinh hoạt thường ngày. Tập thể dục là tốt nhất và phù hợp với mọi lứa tuổi. Nếu bạn đang độ tuổi sung sức, nên chọn thêm một môn thể thao thích hợp để tham gia.
- Chọn các món ăn giảm chất béo, giàu chất xơ (fiber). Trong chế độ ăn này, rau cải, trái cây, ngũ cốc đều là những loại có thể chọn. Thịt, mỡ động vật là những thứ nên tránh.
- Quan tâm đặc biệt đến bữa ăn điểm tâm của bạn. Nhiều người nhịn ăn điểm tâm khi muốn giảm cân. Điều đó không đúng. Bữa ăn sáng giúp bạn cân đối nhu cầu, do đó bạn sẽ không ăn quá nhiều, thường là các thức ăn giàu chất béo, vào các bữa ăn khác trong ngày. Một thực tế nữa là người không ăn sáng thường có khuynh hướng hay ăn vặt, dẫn đen tăng cân thay vì giảm cân.
- Khi chọn một chế độ dinh dưỡng để theo đuổi lâu dài, bạn cần có sự góp ý của bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng. Những bữa ăn được chọn lựa đúng đắn đôi khi có thể có tác dụng hơn ca những phương thức điều trị bằng thuốc, nhất là trong trường hợp béo phì.
Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh béo phì. Hy vọng các bạn đã nắm được những kiến thức cơ bản để phòng ngừa được căn bệnh này tránh những nguy hiểm đến sức khỏe của bản thân.